đầu tư trái phiếu là gì
Tin tức

Thị trường trái phiếu Việt Nam đến hết 2021, định hướng tương lai

Tổng quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam

Kênh huy động vốn qua hình thức trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện đã trở thành một huy động vốn tương đối lớn trong mối tương quan với kênh vay vốn tín dụng từ ngân hàng cũng như kênh huy động vốn cổ phần qua thị trường chứng khoán… Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Thực tế cho thấy, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong giai đoạn 2016-2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là cấu phần có sự tăng trưởng mạnh nhất của thị trường tài chính, trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt thấp. Tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành khoảng 1.224 nghìn tỷ đồng, bình quân gần 239 nghìn tỷ đồng/năm; gấp khoảng 9 lần giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 48%/năm, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến cuối năm 2020 đạt khoảng gần 16% GDP, gấp hơn bốn lần năm 2016.

Sự phát triển của TT trái phiếu doanh nghiệp đã giúp mọi loại hình doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh; định hướng nhà đầu tư tập trung vào các khoản đầu tư trung, dài hạn thay vì gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn; giảm bớt rủi ro cho các ngân hàng thương mại trong việc huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn và nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu. Đặc biệt, trong các thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng nhanh cho thấy các doanh nghiệp đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 -2020 cũng bộc lộ một số hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường tài chính.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nhiệp chiếm khoảng dưới 10% tổng khối lượng phát hành và có xu hướng tăng lên. Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, tổ chức phát hành phải tuân thủ quy định tại Luật Chứng khoán, phải đáp ứng các tiêu chí về vốn, tình sản xuất kinh doanh… và được UBCKNN cấp phép phát hành, do đó phù hợp với mọi loại hình nhà đầu tư. Tuy nhiên, đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, điều kiện và thủ tục phát hành tương đối đơn giản, nhà đầu tư phải tự đánh giá mức độ rủi ro để ra quyết định đầu tư. Các nhà đầu tư các nhân nhỏ, lẻ mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, lại thiếu khả năng phân tích, đánh giá là rất rủi ro cho chính nhà đầu tư, và có thể gây bất ổn cho thị trường tài chính và xã hội khi doanh nghiệp phát hành không thực hiện được cam kết với nhà đầu tư hoặc không đủ khả năng trả nợ.

Ngoài ra, thực tế có nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng rất lớn, gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, một số doanh nghiệp đưa ra mức lãi suất cao hơn nhiều so với mức lãi suất bình quân trên thị trường, nhưng không có tài sản đảm bảo, không được bảo lãnh thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Tình trạng này tiềm ẩn rủi ro mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến an toàn của cả hệ thống tài chính.

Trên cơ sở thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính thống nhất quản lý việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp. Theo đó, Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 được áp dụng từ 1/1/2021 đã tạo nền móng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thông qua việc: (i) thống nhất quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của các loại hình doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế và thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam (ii) tăng cường tính công khai, minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư thông qua các quy định để quản lý tách biệt giữa phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng, theo hướng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng được UBCKNN cấp phép chào bán và theo lộ trình phải có xếp hạng tín nhiệm khi chào bán trái phiếu; (iii) thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp gồm cả 2 cấu phần phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Trên cơ sở quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.

Tình hình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021

Triển khai các quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp, trong năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự thay đổi theo hướng tích cực.

Về khối lượng phát hành, tính đến cuối tháng 11/2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 495.029 tỷ đồng, tăng 23,6% cùng kỳ năm 2020, trong đó phát hành riêng lẻ đạt 467.583 tỷ đồng, phát hành ra công chúng đạt 27.436 tỷ đồng). Tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 6 tháng đầu năm có xu hướng giảm, trong khi khối lượng phát hành ra công chúng có xu hướng tăng cho thấy đã bước đầu có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ ra công chúng, góp phần tăng tính công khai, minh bạch, hạn chế rủi ro trên thị trường.

Về doanh nghiệp phát hành, trong 9 tháng đầu năm, tổ chức tín dụng có khối lượng phát hành lớn nhất thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ, chiếm 37,9%, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020. Các doanh nghiệp bất động sản phát hành chiếm 30,6%, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng không còn là nhà phát hành lớn nhất trên thị trường.

Về kỳ hạn và lãi suất phát hành, kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 9 tháng đầu năm là 3,87 năm, giảm 0,1 năm so với cùng kỳ năm 2020. Lãi suất phát hành bình quân trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 8,02%/năm, giảm 1,38%/năm so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lãi suất phát hành bình quân của các tổ chức tín dụng là 4,5%/năm, giảm 1,92%/năm so với cùng kỳ năm 2020; lãi suất phát hành bình quân của các doanh nghiệp bất động sản là 10,51%/năm, giảm 0,26%/năm so với cùng kỳ năm 2020.

Về cơ cấu nhà đầu tư, nhà đầu tư chính mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp là công ty chứng khoán (chiếm 38,3% khối lượng phát hành), tiếp đến là các ngân hàng thương mại (chiếm 34,4%). Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chiếm 5,4% khối lượng phát hành, giảm so với năm 2020 (12,7%). Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm được giao dịch trên thị trường nên cơ cấu nhà đầu tư sẽ thay đổi trên thị trường thứ cấp.

Định hướng phát triển thị trường thời gian tới

Để triển khai mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 và phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được triển khai đồng bộ với các nhóm giải pháp từ hoàn thiện khung khổ pháp lý, hoàn thiện mô hình tổ chức thị trường, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ thị trường đến tăng cường quản lý giám sát, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, an toàn, hiệu quả.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030 bao gồm mục tiêu, giải pháp và lộ trình triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu. Theo đó, đề xuất mục tiêu phát triển thị trường trong thời gian tới là phát triển thị trường trái phiếu cả về quy mô và độ sâu, nâng cao thanh khoản, đa dạng hoá sản phẩm; phấn đấu đến năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt khoảng 47%GDP, trong đó quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20%GDP, đến năm 2030, quy mô thị trường trái phiếu đạt khoảng 58%GDP, trong đó quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 25%GDP. Để đạt được mục tiêu nói trên, các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp như sau:

– Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để thị trường phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chào bán riêng lẻ để nâng cao chất lượng trái phiếu phát hành, bổ sung quy định đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp và chuẩn hóa quy định về chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý để tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán.

– Khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa các loại hình trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; thúc đẩy việc chào bán trái phiếu ra công chúng; xây dựng quy chuẩn phát hành trái phiếu xanh để vừa tạo kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp vừa thu hút thêm các nhà đầu tư; Phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp dự án PPP, trái phiếu dự án để thúc đẩy thị trường vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng.

– Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, phân biệt các chính sách, tiêu chí, tiêu chuẩn của các loại hình nhà đầu tư; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực phân tích, tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư cá nhân. Trên cơ sở quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, trong thời gian tới sẽ triển khai phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh để huy động vốn cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững; đồng thời thu hút các nhà đầu tư tổ chức trong nước và quốc tế có nhu cầu đầu tư các sản phẩm tài chính bền vững.

– Khuyến khích các công ty chứng khoán mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, đa dạng và tăng cường hiệu quả dịch vụ. Nâng cao chất lượng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, xây dựng thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất khả năng triển khai hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu để tăng tính chuyên nghiệp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

– Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ thị trường và tăng cường minh bạch, hiệu quả hoạt động thị trường, triển khai thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán và nâng cấp chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng để thúc đẩy các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng và niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán.

– Tăng cường quản lý giám sát và thực hiện thanh, kiểm tra tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo… Giám sát hoạt động đầu tư, cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Phối hợp với NHNN giám sát hoạt động đầu tư của các tổ chức tín dụng khi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực.

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường cần tuân thủ nghiêm túc các quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Đối với tổ chức phát hành, để đảm bảo việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công, hạn chế các rủi ro về khả năng trả nợ, Tổ chức phát hành cần đánh giá chi tiết tình hình tài chính hiện tại và xây dựng phương án phát triển kinh doahh, phương án sử dụng vốn cần huy động hợp lý, lựa chọn đơn vị tư vấn, phân phối phát hành TP nhiều kinh nghiệm được đánh giá cao trên thị trường để từ đó đưa ra phương thức phát hành, đối tượng phát hành và kết hoạch phát hành hợp lý, phù hợp với khả năng trả nợ của công ty. Ngoài ra, tổ chức phát hành cần tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin liên quan theo quy định của pháp luật để nâng cao hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp, đồng thời tăng khả năng thành công của các đợt phát hành.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ là cầu nối giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư, do đó cần hiểu rõ các quy định pháp luật, cũng như phân tích kỹ tình hình kinh tế vĩ mô, tình hình doanh nghiệp để đưa ra phương án tư vấn chính xác, đồng thời cần tư vấn, hỗ trợ tổ chức phát hành công khai, minh bạch thông tin để đảm bảo lợi ích lâu dài của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Đối với nhà đầu tư, ngoài việc cân nhắc kỹ về sản phẩm đầu tư, thời điểm đầu tư thì cần phải lựa chọn tổ chức phát hành có uy tín, đảm bảo khả năng thanh toán thông qua việc nắm bắt, nghiên cứu kỹ hồ sơ doanh nghiệp phát hành và các đơn vị liên quan (tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức tư vấn), và đặc biệt việc tuân thủ nghiêm túc nghĩa vụ công bố thông tin liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư nên tiếp cận nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy là trang công bố thông tin điện tử của SGDCK để đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn. Nhà đầu tư không có nhiều kinh nghiệm chỉ nên giao dịch trái phiếu doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường có tổ chức tại các SGDCK, để hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra.

nguồn: UBCKNN>>